Cách làm sinh tố đậu đen trong bài viết này rất đơn giản nhưng đem lại thành phẩm hấp dẫn. Trong những ngày nắng nóng, bạn thử trổ tài để cả nhà được thưởng thức món sinh tố thơm ngon, mát lạnh với hương vị độc đáo được làm từ hạt đậu đen và nước cốt dừa này nhé!
Không chỉ là loại ngũ cốc bổ dưỡng, bạn có thể biến đậu đen thành một món sinh tố rất ngon. Ảnh: Internet
Ngoài chè đậu đen, xôi đậu đen, nước đậu đen rang… một món làm từ hạt đậu rất ngon và có sức hấp dẫn đặc biệt với các bé và chị em là sinh tố đậu đen. Bạn không phải mất nhiều thời gian để làm món này. Mời bạn tham khảo cách làm dưới đây.
Nguyên liệu làm sinh tố đậu đen
Phần đậu đen
- 300g đậu đen
- 200g đường cát
- 5 muỗng canh sữa đặc
- 6 muỗng canh bột năng
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 2,5 lít nước lọc
Phần nước cốt
- 600ml nước cốt dừa
- 100g đường cát
- 2 muỗng canh sữa đặc
- 2 muỗng canh bột năng
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 1 ống vani
- Dụng cụ: thau, rổ, nồi, muôi/vá, túi/bịch nilon đựng sinh tố…
Cách chế biến sinh tố đậu đen
Ngâm và nấu đậu đen
Đậu đen mua về vo rửa sạch, nhặt bỏ các hạt bị sâu, hỏng. Ngâm đậu trong thau nước từ 6 – 8 tiếng hoặc qua đêm. Đậu sau khi ngâm thì rửa lại một lần nữa rồi để ráo.
Đậu sau khi ngâm qua đêm. Ảnh: Internet
Nấu đậu đen với nước cốt dừa
Cho đậu đen vào nồi cùng với 1,5 lít nước lọc. Bật bếp và nấu đậu trên lửa lớn. Khi nồi đậu sôi, dùng muôi/vá hớt sạch bọt để thành phẩm món sinh tố không bị chát. Sau khi hớt bọt xong, bạn cho vào nồi 1 lít nước lọc nữa, tiếp tục nấu đến khi đậu chín mềm. Trong quá trình nấu vẫn thường xuyên vớt bọt.
Nồi đậu sau khi nấu từ 30 – 40 phút đã chín mềm, cho vào 200g đường cát, 1/2 muỗng cà phê muối và 2 muỗng canh sữa đặc. Hòa tan 6 muỗng canh bột năng với một ít nước trong chén, cho từ từ hỗn hợp bột năng vào nồi đậu để tạo độ sánh, nhớ khuấy đều để bột không bị vón lại. Khi nồi đậu sôi lại, cho vào 1 ống vani cho thơm rồi tắt bếp.
Nấu đậu đen với đường, sữa và bột năng. Ảnh: Internet
Để làm hỗn hợp nước cốt dừa, bạn có thể sử dụng nước cốt dừa lon hoặc mua dừa nạo về tự vắt nước cốt đều được. Cho vào nồi các nguyên liệu gồm: 600ml nước cốt dừa, 2 muỗng canh sữa đặc, 100g đường cát, 2 muỗng canh bột năng và 1/2 muỗng cà phê muối cho phần nước cốt đậm đà hơn. Khuấy đều để các nguyên liệu tan hoàn toàn, nếu bột năng chưa tan hết thì khi nấu sẽ bị vón cục.
Bắc nồi nước cốt dừa lên bếp, nấu với lửa nhỏ để hỗn hợp được sánh, mịn hơn. Dùng muỗng khuấy nhẹ và đều tay để hỗn hợp không bị cháy khét. Bạn nhớ nấu cho bột năng chín kỹ thì thành phẩm sẽ để được lâu, không bị vữa. Khi nồi nước cốt dừa sôi lên thì tắt bếp, để nguội.
Nấu nước cốt dừa đạt đến độ sánh như ý muốn. Ảnh: Internet
Đóng bịch và làm lạnh
Khi nồi đậu đen và nước cốt dừa đã nguội hoàn toàn, bạn chuyển qua công đoạn đóng bịch và làm lạnh. Để cho đậu vào túi được dễ dàng hơn, bạn sử dụng phễu hoặc cắt lấy một phần chai nhựa ở sát cổ chai là đã có ngay một chiếc phễu rót vô cùng tiện lợi.
Múc 1 muỗng canh nước cốt dừa cho vào túi, sau đó cho thêm 2 muỗng canh đậu đen (nhớ lấy cả phần nước và cái), dùng dây thun buộc kín miệng túi là xong. Bạn làm lần lượt đến khi hết các nguyên liệu.
Cuối cùng, cho các túi sinh tố đậu đen vào ngăn đông tủ lạnh từ 4 – 6 tiếng là có thể lấy ra thưởng thức.
Cho sinh tố vào túi rồi buộc kín. Ảnh: Internet
Thành phẩm
Món sinh tố có hai màu trắng và nâu đan xen rất đẹp mắt. Túi sinh tố đông cứng như kem nhưng không bị dăm đá. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị mát lạnh, ngọt ngào, hạt đậu thơm bùi hòa quyện cùng nước cốt dừa béo ngậy, ngon khó cưỡng.
Cách chọn mua đậu đen ngon
Cũng như các món ăn khác, bí quyết đầu tiên để có món sinh tố đậu đen thơm ngon, hấp dẫn là phải chọn được loại đậu đen xanh lòng. Vì vậy, khi mua đậu đen làm sinh tố, bạn hãy lưu ý những đặc điểm sau đây:
- Kích thước: Chọn những hạt đậu nhỏ, chỉ bằng 1/2 hạt đậu thông thường sẽ thơm, bùi hơn hạt đậu kích thước lớn.
- Màu sắc: Đậu đen xanh lòng tức ruột bên trong hạt đậu có màu xanh nhạt, vỏ hạt đậu càng sậm màu thì càng giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, bạn không nên mua hạt đậu đen có phủ một lớp phấn trắng bên ngoài, vì đây là dấu hiệu của hạt đậu đã để lâu.
- Mùi thơm: Đậu đen ngon sẽ có mùi thơm đặc trưng. Nếu ngửi thấy mùi lạ, hắc thì có thể là đậu đã bị hỏng hoặc tẩm hóa chất bảo quản.
Đậu đen xanh lòng có giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: Internet
Lưu ý khi làm sinh tố đậu đen
- Ngâm đậu trước khi nấu sẽ giúp đậu nhanh mềm hơn, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu.
- Lượng đường và sữa đặc có thể gia giảm theo khẩu vị người dùng.
- Túi nilon đựng sinh tố nên chọn loại bóng kính, kích thước 6×12 để phù hợp cho một lần ăn.
- Bảo quản sinh tố trong hộp kín để tránh bị ám mùi của các thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Làm sinh tố đậu đen có những lợi ích gì?
Đậu đen là loại ngũ cốc thơm ngon, giàu dinh dưỡng với hàm lượng protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất dồi dào. Trong Đông y, đậu đen còn có tên gọi là ô đậu, hắc đại đậu, hương xị… được xem như một vị thuốc quý, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Giải nhiệt cơ thể
Đậu đen có vị ngọt, tính mát, có tác dụng trừ phong nhiệt, giải độc, hạ khí, lợi tiểu… Vỏ đậu có tính hàn nên thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh do nhiệt gây nên như cảm nắng, say nắng, sốt, mụn nhọt, lở loét…
Vào mùa hè, ăn đậu đen có kèm chút muối không chỉ giúp giải nhiệt tốt mà còn bù nước cho cơ thể, cân bằng điện giải do đổ mồ hôi.
Đào thải độc tố
Sulfates là hóa chất có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn, làm tăng nhịp tim, gây đau đầu hoặc rối loạn chú ý. Molypden có trong đậu đen là một nguyên tố vi lượng có tác dụng khử độc sulfates (sunfit) cho cơ thể.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Loại đậu này có chứa các chất xơ không hòa tan nên có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa và các chứng bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Ăn sinh tố đậu đen giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Ảnh: Internet
Cải tạo làn da tốt
Chứa nhiều sắt nên loại đậu này làm tăng lượng hồng cầu trong máu, cải thiện sắc tố da, giúp bạn trông hồng hào và tươi tắn hơn.
Duy trì cấu trúc xương vững chắc
Sự có mặt của các khoáng chất canxi, phốt pho, sắt và kẽm trong đậu đen có thể phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp và giữ cho xương chắc khỏe.
Giảm huyết áp
Đây còn là thực phẩm giúp giảm huyết áp tự nhiên nhờ có hàm lượng natri thấp, đồng thời cung cấp kali, canxi và magie.
Bảo vệ tim mạch
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, những người ăn nhiều đậu đen, cá, rau xanh, ngũ cốc có thể giảm tới 82% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Phòng ngừa ung thư
Khoáng chất selenium trong hạt đậu này có tác dụng thanh lọc những chất độc hại gây ung thư trong cơ thể, ngăn ngừa viêm và giảm mức độ phát triển của khối u.
Giữ dáng vóc gọn gàng
Ăn đậu đen giúp giảm cảm giác thèm ăn, đồng thời thúc đẩy quá trình lưu thông máu và trao đổi chất, nhờ đó chuyển hóa, giải phóng chất béo tốt hơn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Hạt đậu tuy nhỏ bé nhưng là thần dược “rẻ tiền” với nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Ảnh: Internet
Trên đây là cách làm sinh tố đậu đen những thông tin về giá trị dinh dưỡng trong loại đậu này mà lâu nay nhiều người chưa biết đến. Nếu như trước đây bạn không có thói quen ăn đậu đen thì từ bây giờ, hãy bổ sung thực phẩm này vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày nhé!
Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết cách làm sinh tố táo tại website của chúng tôi ngay nhé.