Ngoài cách ăn trực tiếp, củ đậu còn được chế biến thành món nước ép rất thanh mát. Nước ép củ đậu không chỉ giúp giảm cân, đẹp da mà còn mang lại nhiều công dụng khác cho sức khỏe. Những ngày nóng nực, chỉ cần uống một ly nước ép củ đậu với hương vị ngọt ngào, mát lành sẽ khiến bạn cảm thấy đã khát, dễ chịu hơn.
Nước ép củ đậu có nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất xơ và vitamin C. Ảnh: Internet
Củ đậu còn được gọi là củ sắn hay sắn nước (theo phương ngữ Nam bộ), là thực phẩm dân dã, rẻ tiền, thường được gọt vỏ chấm muối ớt, ăn ngọt và mát. Người ta còn chế biến củ đậu thành nhiều món ăn ngon như kho, xào, trộn gỏi, nấu canh, làm nhân gói chả giò… Nước ép củ đậu là một biến tấu mới lạ để bạn có thêm một thức uống giải nhiệt trong mùa hè. Hãy cùng Trithucmoi365.edu.vn khám phá công thức ngay nhé.
Cách chọn mua củ đậu tươi ngon
- Để mua được củ đậu ngon, bạn hãy chú ý chọn những củ còn tươi mới, cuống lá còn xanh, vỏ có màu nâu vàng sáng, nhẵn nhụi.
- Không nên chọn những củ có lớp vỏ thô sần, màu nâu sậm, thân củ bị dập úng, sâu hỏng.
- Thông thường, những củ đậu có kích thước nhỏ và vừa sẽ ngon và mọng nước hơn những củ lớn.
- Chọn những củ đậu cầm nặng tay, trọng lượng tương đồng với hình dáng bên ngoài.
- Phần cuống càng nhỏ thì củ đậu càng ngon, ít xơ hơn.
Củ đậu không phải là cây thời vụ nên dễ dàng mua được vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Ảnh: Internet
Nguyên liệu làm nước ép củ đậu
- 2 củ đậu
- 1 củ cà rốt
- 1 quả ổi
- Dụng cụ: máy ép trái cây, dao, muỗng, ly…
Cách làm nước ép củ đậu
Củ đậu và cà rốt gọt vỏ, rửa sạch với nước muối loãng rồi cắt thành những miếng nhỏ. Ổi rửa sạch, cắt nhỏ, bỏ ruột. Đối với các loại trái cây, rau củ có nhiều xơ, bạn nên cắt ngắn các nguyên liệu theo chiều ngang để hạn chế phần xơ nhất. Đối với củ, quả thì nên cắt thành những khối vuông nhỏ để giúp quá trình ép được dễ dàng và kiệt nước hơn.
Cắt nhỏ các loại củ, quả trước khi ép. Ảnh: Internet
Cho lần lượt củ đậu, cà rốt, ổi vào máy ép trái cây, ép lấy nước, bỏ bã. Trong quá trình ép, bạn nên ép xen kẽ các loại củ, quả với nhau.
Cho nước ép ra ly, có thể cho thêm một ít đường để tạo vị ngọt nếu thích. Sau đó cho đá viên, trang trí với chanh cắt lát và lá bạc hà để thức uống hấp dẫn hơn.
Nếu không có máy ép, bạn cho các nguyên liệu vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn với một ít nước. Lọc hỗn hợp qua rây hoặc vải mỏng để lấy nước cốt.
Thành phẩm nước ép củ đậu, cà rốt, ổi. Ảnh: Internet
Nước ép củ đậu có màu vàng cam đẹp mắt cùng mùi thơm đặc trưng của các loại củ, quả. Khi uống cảm nhận được vị ngọt dịu, thanh mát rất ngon miệng và kích thích vị giác.
Uống nước ép củ đậu có tác dụng gì?
Theo Đông y, củ đậu có vị ngọt nhạt, tính mát, không độc. Nếu ăn sống sẽ có tác dụng giải khát, còn khi nấu chín thì bổ ích tràng vị.
Củ đậu chứa lượng vitamin C khá cao, ngoài ra còn chứa đường, chất xơ, chất đạm cùng nhiều vitamin như B1, B2, B3, B5, B6, B9 và các khoáng chất canxi, magie, mangan, phốt pho, kali… vô cùng phong phú.
Với thành phần dinh dưỡng như trên, tiêu thụ củ đậu sẽ giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn và khó thở, giảm tình trạng chảy máu cam hay chảy máu chân răng, giúp xương và răng chắc khỏe, chữa táo bón, tốt cho tim mạch.
Nước ép củ đậu là thức uống rất tốt cho chị em phụ nữ, không chỉ giúp làn da trắng sáng, ngăn ngừa nám và tàn nhang mà còn có tác dụng giảm cân. Trong 100g củ đậu tươi chỉ chứa 38 kcal, đồng thời chứa nhiều nước (chiếm đến 80 – 90%) nên ăn vào cảm giác no lâu mà không xót ruột.
Củ đậu là thực phẩm vô cùng lý tưởng cho các chị em muốn giảm cân. Ảnh: Internet
Hàm lượng phytoestrogen trong củ đậu giúp làm giảm các ảnh hưởng của thời kỳ mãn kinh, nhờ vậy chị em sẽ vượt qua giai đoạn này một cách dễ chịu hơn.
Phụ nữ mang thai thường xuyên ăn củ đậu sẽ giúp hệ tiêu hóa ổn định, ngăn ngừa tình trạng táo bón và bệnh trĩ.
Những ai không nên ăn củ đậu?
Chỉ nên ăn củ đậu ở mức độ vừa phải sẽ giúp nhuận tràng, tiêu hóa tốt. Nếu lạm dụng có thể gây chướng bụng, không tốt cho người bệnh đau dạ dày và làm cơ thể suy yếu.
Ăn quá nhiều củ đậu trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ giãn dạ dày, khiến dịch vị tiết nhiều hơn và nhu cầu thèm ăn cũng cao hơn.
Lá và hạt của cây củ đậu chỉ được dùng làm thuốc bôi ngoài da, chữa ghẻ lở. Tuyệt đối không được ăn hai bộ phận này vì chúng có chứa chất tephrosin và rotenon gây ngộ độc, đau bụng, co giật toàn thân, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và suy hô hấp.
Uống nước ép củ đậu có giảm cân không?
Như đã nói, nước ép củ đậu chứa rất ít calo nên có thể sử dụng như một thực phẩm hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, không nên uống nước ép để “trừ bữa” vì sẽ không cung cấp đủ các dưỡng chất mà cơ thể cần, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, gây uể oải, mệt mỏi, thiếu sức sống.
Trong những ngày nắng nóng, hãy thực hiện cách làm nước ép củ đậu để mang đến cho bạn và gia đình một thức uống giải nhiệt ngon miệng. Đây cũng là một loại nước ép trái cây mới lạ mà bạn có thể bổ sung vào thực đơn quán nước ép, cà phê… của mình, giúp đa dạng hơn sự lựa chọn cho thực khách và tăng doanh thu.
Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết cách làm nước ép cam cà rốt tại website của chúng tôi ngay nhé.